09:00 AM 01/03/2010  |  &nbspLượt xem: 18110  | 

Mặc dù Việt Nam là đất nước có nhiều loài hoa đẹp, tuy nhiên cho tới nay, chưa có văn bản nào công nhận Quốc hoa của Việt Nam, trong khi các nước trong khối ASEAN và các nước láng giềng của chúng ta đều có quốc hoa.

Nói đến “Biểu tượng Quốc gia” là nói đến biểu trưng hoặc vật tượng trưng cho một quốc gia, dân tộc. Trong lịch sử hình thành các quốc gia, khi thành lập nước,  mỗi quốc gia, dân tộc đều lựa chọn cho mình các biểu tượng quốc gia như: Quốc hiệu, Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca. Ngày nay, các quốc gia cũng chọn thêm một (hoặc một số công trình xây dựng) để làm biểu tượng quốc gia của mình. Ví dụ tượng Nữ thần tự do (Hợp chủng quốc Hoa Kỳ), Kim tự tháp (Ai Cập), Đồng hồ Big Ben (Vương quốc Anh), tượng đầu sư tử mình cá (Sinhgapo), tòa tháp đôi Petro (Malaysia)  vv. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia lại chọn thêm các loại hoa, lá, cây để làm biểu tượng quốc gia và coi đó là Quốc hoa của mình ví dụ: hoa Lan (Sinhgapore), hoa Mẫu đơn (Trung Quốc), hoa Anh Đào (Nhật Bản), hoa Tulip (Hà Lan), hoa Hồng (Bungari), hoa Thược dược (Mexico), hoa Hồng dại (Vương quốc Anh), Lá Phong (Canada), hoa Đỗ Quyên (Nepal) vv.

Biểu tượng quốc gia của một nước rất quan trọng và có ý nghĩa trong việc khẳng định chủ quyền, uy tín quốc gia. Đồng thời là sự tự hào của nhân dân, dân tộc đó.    

Biểu tượng quốc gia của Việt Nam được công nhận chính thức trong các văn bản quy phạm pháp luật, kể cả Hiến pháp bao gồm: Quốc hiệu, Quốc huy, Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc thiều. Mặc dù Việt Nam là đất nước có nhiều loài hoa đẹp, tuy nhiên cho tới nay, chưa có văn bản nào công nhận Quốc hoa của Việt Nam, trong khi các nước trong khối ASEAN và các nước láng giềng của chúng ta đều có quốc hoa. Sau đây xin giới thiệu quốc hoa của một số nước:

1. Cải Simpor - Quốc hoa của Brunei Darussalam:

 

2. Hoa Rumdul - Quốc hoa của Campuchia:

 

3. Hoa lan Mặt trăng – Phalaenopsis amabilis - Quốc hoa của Indonesia:

 

4. Hoa Champa (Việt Nam gọi là Hoa Đại ) - Quốc hoa của CHDCND Lào:

 

5. Hoa Dâm bụt năm cánh - Quốc hoa của Malaysia:

 

6. Hoa Paduak - Quốc hoa của Myanmar:

 

7. Hoa Sampaguita thơm (còn gọi là Hoa Nhài hay Hoa Ả Rập thơm) - Quốc hoa của Philippin (được công nhận ngày 01/02/1934):

 

 
   

8. Hoa Phong lan Vanda Miss Joaquim - Quốc hoa của Singapore (được công nhận từ năm 1981):

 

9. Hoa Muồng Hoàng Yến (Ratchaphruek) - Quốc hoa của Thái Lan:

 
Các nước khác gần Việt Nam cũng lấy một loại hoa làm Quốc hoa, thậm chí tổ chức Lễ hội hoa ngay trên đất nước chúng ta:

Lễ hội Hoa Anh Đào - Quốc hoa của Nhật Bản

 

Hoa Mẫu Đơn - Quốc hoa của Trung Quốc: 

 

Việt Nam là đất nước có lịch sử hào hùng và có nền văn minh nông nghiệp lúa nước lâu đời. Việc lựa chọn Quốc hoa của Việt Nam để được tôn vinh và công nhận một cách chính thức là một điều đặt ra đối với tất cả chúng ta. Đặc biệt trong đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng long – Hà Nội.

Với sự đa dạng sinh học, Việt Nam có nhiều loài hoa được coi là quốc hoa của nhiều quốc gia. Tuy nhiên, để chọn một trong những loại hoa hay cây để làm quốc hoa nên có đầy đủ các tiêu chí: đó là một loài hoa đẹp - có trong tự nhiên hoặc được trồng phổ biến nhiều vùng miền của đất nước - có ý nghĩa về văn hóa - gần gũi với cuộc sống của nhân dân.

Nếu như Hoa Đào (có nhiều ở miền Bắc), Hoa Mai (có nhiều ở miền Nam) thì Hoa Sen là ứng viên số một làm Quốc hoa của Việt Nam:

 

Hoa Sen được biết đến như là “hoa của bình minh”, Hoa Sen có trên trong phạm vi cả nước tại các hồ, ao của Việt Nam. Hoa sen là biểu tượng của sự tinh khiết, đoàn kết và lạc quan cho tương lai.

Ở Việt Nam, đề tài hoa sen xuất hiện khá sớm trong nghệ thuật tạo hình. Hầu như ở thời nào đề tài hoa Sen cũng có trong các đồ án trang trí nơi thờ tự hoặc ở các công trình văn hoá cộng đồng tạo nên sự đa dạng, đẹp đẽ và cao quý cho các đồ án trang trí, các công trình kiến trúc, điêu khắc, hội hoạ.

Điển hình nhất trong các công trình kiến trúc ở Việt Nam có hình hoa Sen là Chùa Một Cột (còn gọi là Chùa Diên Hựu) là một công trình kiến trúc độc đáo hiện nay nằm trong khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chùa Một Cột được xây dựng từ năm 1049 - thời Lý Thái Tông. Theo sử cũ, nhà vua chiêm bao thấy đức Phật Quan âm đặt vua lên tòa sen nên ngài đã cho dựng một ngôi chùa gọi là Diên Hựu (có nghĩa là Trường Thọ). Kiến trúc của chùa giống như một đóa Sen xung quanh có hồ nước xanh. Kiến trúc của chùa hình vuông, mỗi chiều 3m, mái cong dựng trên cột đã hình trụ, đường kính 1,2m, cao 4 m.

Nếu như Hoa Đào có ở Miền Bắc, Hoa Mai có ở Miền trung và Miền Nam thì Hoa Sen có ở cả ba miền. Trong thi ca, Hoa Sen có trong nhiều câu ca dao, tục ngữ của Việt Nam, đã đi vào tâm hồn người Việt từ trong nôi qua lời ru của Mẹ và cả trong cuộc sống hàng ngày. Các vẻ đẹp của hoa Sen thường được trích dẫn trong các bài hát dân ca, bài thơ của Việt Nam.

Bày tỏ tình yêu đôi lứa:

“Hôm qua tát nước đầu đình

Để quên chiếc áo trên cành hoa Sen”

            Ca ngợi vẻ đẹp của Hoa Sen trong ca dao:

“Trong đầm gì đẹp bằng Sen

Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng

Nhụy vàng bông trắng lá xanh

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”

Ca ngợi Bác Hồ:

“Tháp Mười đẹp nhất bông Sen

Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”

Thú ẩm thực có từ Hoa Sen cũng nổi tiếng:

 Từ xa xưa, thưởng thức trà sen là thú vui tao nhã chỉ dành riêng cho những vương tôn công tử và những gia đình quyền quý. Đến nay thú uống trà sen vẫn còn duy trì và trở thành một nét văn hóa độc đáo và tao nhã tại Tây Hồ và nhiều vùng trong cả nước. Ngoài ra, còn có mứt hạt Sen, các món ăn nấu từ củ Sen, ngó Sen cũng rất ngon.

Hiện nay có khoảng 70% các nước trên thế giới có Quốc hoa trong biểu tượng quốc gia của mình. Hoa Sen đã được Ấn Độ chọn làm Quốc hoa nhưng không ảnh hưởng tới việc lựa chọn của chúng ta vì có nhiều quốc gia cùng chọn chung một loài hoa làm quốc hoa (Ví dụ Hoa Hồng là quốc hoa của Cộng hòa Czech (Tiệp Khắc), Bulgari, Vương quốc Anh).

Hoa Sen không chỉ là loài hoa có lịch sử lâu đời và xuất hiện nhiều trong các lĩnh vực văn học, nghệ thuật, kiến trúc của Việt Nam mà còn gần gũi, gắn bó mật thiết với văn hóa và tâm hồn người Việt Nam. Do đó nếu chọn hoa Sen làm Quốc hoa và công bố trong ngày đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội sẽ rất có ý nghĩa. Bởi vì chúng ta có thêm biểu tượng của văn hóa Việt Nam - biểu tượng Quốc gia Việt Nam./.

Ths. Nguyễn Mạnh Cường & Ths. Nguyễn Ngọc Linh - Trường Cao đẳng Nội vụ Hà Nội

Tài liệu tham khảo:

http://www.Asean.org

Triều Dương: Ca dao ngạn ngữ Hà Nội, nxb Văn nghệ Hà Nội, Hà Nội. năm 1971;